Đôi điều về Chùa Keo, Thái Bình

Vị trí: Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Đặc điểm: Chùa là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng bậc nhất ở Việt Nam. Gác chuông chùa Keolà một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo.

Từ thành phố Nam Định, qua cầu Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn. 

Theo sách Không Lộ Thiền sư ký ngữ lục, chùa ban đầu có tên là Nghiêm Quang, được Không Lộ xây dựng từ năm 1067 tại làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) bên hữu ngạn sông Hồng. Sau khi Thiền sư Không Lộ qua đời, chùa Nghiêm Quang được đổi tên là Thần Quang Tự. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần nền chùa và đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa. Dân làng Keo phải bỏ quê cha đất tổ ra đi: một nửa dời về đông nam hữu ngạn sông Hồng, về sau dựng lên chùa Keo – Hành Thiện (nay thuộc tỉnh Nam Định); một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng, về sau dựng lên chùa Keo – Thái Bình. Việc dựng chùa mới được bắt đầu từ năm 1630, hoàn thành năm 1632, chùa được dựng theo phong cách kiến trúc thời Lê, nhờ sự vận động của bà Lại Thị Ngọc, vợ Tuần Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng, và Đông Cung Vương phi Trịnh Thị Ngọc Thọ. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ 17, 18 và năm 1941. 

Chùa có quy mô kiến trúc rộng lớn trên một khu đất khoảng 58.000m². Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa còn lại 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa chạm rồng chầu (thế kỷ 16). Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Sau chùa Phật có đền thờ Thiền sư Không Lộ, người khai sơn ngôi chùa vào thời Lý.

Công trình kiến trúc nổi tiếng của chùa là gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau. Tầng một có treo một khánh đá dài 1,20m, tầng hai có quả chuông đồng cao 1,30m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796. 

Đến thăm chùa, du khách có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như một bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà người ta kể lại rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành. 

Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Post Author: admin