Di tich Căng và đồn Nghĩa Lộ

Theo Quốc lộ 32 từ Yên Bái vào khoảng 80 km là đến một thị xã nhỏ đầy thơ mộng nằm trong cánh đồng Mường Lò. Đó là thị xã Nghĩa Lộ – một thị xã miền núi nằm ở khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái.

Đến thị xã bạn sẽ được tham quan và thưởng thức các loại hình văn hoá của dân tộc Thái và sẽ không thể nào quên khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, nằm trên trục chính đường Điện Biên (Quốc lộ 32). Đây là điểm trung tâm của thị xã Nghĩa Lộ và vùng lòng chảo cánh đồng Mường Lò. Nơi đây đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ.

Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ. Mùa hè năm 1944 chi phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu nộp vật liệu để xây dựng Căng. Bao bọc toàn bộ khu Căng Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững ngày đêm canh giữ cẩn mật. Thế nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường quân và dân yên Bái đã phá Căng Nghĩa Lộ giải phóng Văn Chấn lần thứ nhất năm 1945.

Văn Chấn là huyện lớn có vị trí quân sự quan trọng “tiến có thế công, lùi có thế thủ”, nên giặc Pháp đã đặt mục tiêu phải chinh phục cho bằng được Văn Chấn. Ngày 2-10-1947, Pháp đem quân đánh tái chiếm Văn Chấn. Trong gần 5 năm (1947 – 1952) chiếm đóng Văn Chấn chúng đã giết và gây thương tích cho hơn 300 người, làm mất tích khoảng 56 người. Hàng nghìn con em các dân tộc bị cưỡng ép đi làm lính đánh thuê cầm súng bắn lại đồng bào, đốt phá rừng núi quê hương. Ngoài việc bắn giết chúng còn đốt nhà, phá lúa, cướp trâu bò và hàng nghìn tấn lương thực, hãm hiếp phụ nữ và trẻ em.

Nhưng một lần nữa chúng không thể khuất phục được lòng dũng cảm của quân và dân  các dân tộc Văn Chấn. Vào 5h30 phút ngày 18-10-1952 quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội: giải phóng hoàn toàn Nghĩa Lộ.

Trong chiến dịch ấy có những chiến sĩ đã ghi danh như: Đặng Đình Duẩn, một mình xung phong vào hầm địch, Phan Đình Mẫn chặt tay mình để tiếp tục chiến đấu, có đồng chí 5 phút ôm 3 quả bộc phá vào đồn địch và còn biết bao anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh… Để tưởng nhớ các trận đấu oanh liệt, ngày 25-7-1992 Uỷ ban nhân dân huyện Văn Chấn đã quyết định xây dựng “Đài tưởng niệm Căng Nghĩa Lộ” ghi tên 9 đồng chí đã ngã xuống năm 1945.

Để ghi lại truyền thống cách mạng, ca ngợi chiến công, khí phách hào hùng của lực lượng vũ trang, tinh thần quật khởi giành tự do của nhân dân các dân tộc trong vùng, đồng thời bổ sung thiết chế văn hoá đô thị khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái, năm 1997 Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định xây dựng “Tượng đài chiến thắng thị xã Nghĩa Lộ”.  Vậy là hiện nay khu di tích này có 1 đài tưởng niệm Căng Nghĩa Lộ, 1 tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ mang hình tượng anh bộ đội cụ Hồ và nhân dân các dân tộc trong chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ tháng 10-1952, cùng với nhà bia ghi tên các liệt sỹ.

Post Author: admin