Văn hóa uống Trà đối với đời sống tâm linh và lễ nghi

Uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đấy nhiều công phu, những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơm và một vị triết lý. Theo các bậc lão nông đã hàng chục năm sao chế trà: Trà ngon cũng như bạn hiền, chỉ có thể may mắn gặp được chứ không thể cầu mà có được. Bởi các yếu tố như thời khí nặng nhẹ, mưa nắng mạnh yếu, độ ẩm, bàn tay người chăm sóc, thậm chí hướng gió cũng ảnh hưởng đến chất lượng trà thành phẩm. Trà ngon, nước phải trong xanh, ngửi như có hương cốm non, dư vị đọng mãi trong cổ. Thứ được nước, tức là pha nhiều lần nước vẫn còn màu thì kém hơn. Có những người đã trộn hạt cau khô, búp ổi… vào trà để bán. Còn thứ nước trà uống theo kiểu phương Tây, cho đường, sữa… vào uống thì chỉ đáp ứng được những ý thích nhất thời.

Từ ngày xưa Sử sách đã ghi lại, hình thức uống trà khởi nguồn từ các chùa chiền, tức gắn liền đạo Phật của người Việt, nó được gọi là Thiền trà. Các nhà sư thường uống trà và tụng kinh thay cơm sáng hay những lúc chiều tà, đó là những thời khắc đời sống trần tục đang bủa vây tứ phía, trà giúp người ta tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục và để xua đi cảm giác cô độc. Bên cạnh đó trong các tục lệ cúng ông cha tổ tiên ngày xưa cũng thường xuyên cúng nước Trà, bởi mọi người quan niệm Trà là thứ nước thanh tao, thể hiện được sự tôn kính và ngày nay ở một số vùng vẫn có quan niệm cúng nước Trà trong mỗi dịp giỗ tết hay lễ hội.

 

Post Author: admin