Sự tích núi Thiên Ấn

Vị trí: Thiên Ấn là ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Đặc điểm: Núi cao 100m, tựa hình một chiếc ấn, bốn phía sườn có hình thang cân. Giữa thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm cạnh dòng sông xanh nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà.

Núi Thiên Ấn có tục danh là núi Hó, từ xưa đã được xem là “đệ nhất phong cảnh” của tỉnh Quảng Ngãi với mỹ danh “Thiên Ấn niêm hà”, tức ấn trời đóng trên sông. Sông ở đây là sông Trà Khúc, con sông lớn nhất tỉnh. Cùng với sông Trà, núi Thiên Ấn từ lâu đã trở thành biểu tượng của vùng đất Quảng Ngãi.

Thực ra, núi Thiên Ấn chỉ là một quả đồi cao trên trăm mét, nằm ở thị trấn Sơn Tịnh, bên bờ bắc sông Trà Khúc, có quốc lộ 24B áp sát chân núi, cách quốc lộ 1A khoảng 3km về phía tây. Do vậy, khách theo quốc lộ 1A vào Nam hay ra Bắc đều có thể thấy rõ núi Thiên Ấn. Muốn ghé thăm Thiên Ấn, từ ngã ba đầu cầu Trà Khúc trên quốc lộ 1A, rẽ sang quốc lộ 24B về hướng đông chạy xe ô tô chỉ khoảng năm mười phút là đến chân núi. Ðường lên đỉnh Thiên Ấn xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, độ dốc không cao, lòng đường rộng, đã trải nhựa nên xe các loại đều lên xuống dễ dàng. 

Sở dĩ núi có tên là Thiên Ấn vì đỉnh núi rộng, bằng phẳng, nhìn xa giống như một cái triện lớn do trời sinh ra. Sườn núi Thiên Ấn có nhiều cỏ tranh, phía đông sườn núi có chùa Thiên Ấn nằm giữa lùm cây cổ thụ rậm rạp. Ngôi chùa cổ này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, đã được chúa Nguyễn ban cho biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn tự”, năm 1717. Trong khuôn viên chùa có cái cái giếng cổ sâu hun hút tương truyền được đào quết nhiều năm liền, tục gọi Giếng Phật. Chùa còn có quả chuông lớn thỉnh về từ làng đúc đồng Chú Tượng năm 1845, dưới triều vua Thiệu Trị, tục gọi là Chuông Thần. Giếng Phật, Chuông Thần đều đã đi vào thơ ca và gắn với những huyền thoại lý thú, đi vào thơ ca vịnh cảnh Thủ khoa Phạm Trinh từng có câu: “Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt/ Chuông Thần đêm vắng giọng đưa thanh”. 

Phía đông chùa có khu “viên mộ” thiết diện hình lục giác, gồm nhiều tầng, là nơi an táng các vị sư trụ trì chùa. Ngoài ra, tại đỉnh Thiên Ấn, trên trảng đất bằng phẳng thoáng đãng phía tây còn có phần mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng, là nơi được nhiều du khách viếng thăm.

Từ đỉnh Thiên Ấn du khách có thể ngắm nhìn cả một khoảng không gian bao la, hùng vĩ xung quanh. Nhìn lên: trời tây là rặng Thạch Bích như một bức thành sừng sững. Nhìn xuống hướng đông có thể thấy cửa Ðại Cổ Lũy, nơi có cảnh đẹp nổi tiếng “Cổ Lũy cô thôn”, với mặt biển lấp lánh. Nhìn về hướng bắc, tây bắc sẽ thấy nổi lên giữa đồng lúa xanh tươi dãy núi Long Ðầu với mình rồng uốn lượn. Nhìn về hướng nam núi Thiên Bút với cái mỹ danh “Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây) hiện lên giữa phố phường tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Gần hơn là cầu Trà Khúc, sông Trà Khúc, nổi lên giữa những dải cát trắng, từng là nguồn cảm hứng cho hai bài thơ hay nhất của thi sĩ Cao Bá Quát: Trà Giang dạ bạc và Trà Giang thu nguyệt ca. Quả Thiên Ân không hổ danh là “đệ nhất thắng cảnh” của tỉnh Quảng Ngãi, là di tích quốc gia đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận từ năm 1990. 

Post Author: admin