Những hạn chế về quản lý đối với du lịch Đà Nẵng

 

Vai trò quản lý nhà nước đối với du lịch là cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, trong thời gian qua, vấn đề này còn nhiều bất cập và chậm đổi mới, thể hiện trên các mặt:

        – Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch đã được tiến hành nhưng do đặt ra quá nhiều vấn đề mang tầm chiến lược cho một giai đoạn ngắn nên chỉ thể hiện được sự nôn nóng kế hoạch mà tính khả thi không cao. Ví dụ như việc quy hoạch một vùng du lịch biển gần 2000 ha đất với hàng chục dự án đầu tư nhưng qua gần 5 năm chỉ triển khai được 01 dự án. Và xét về phương diện hiệu quả thì việc lập và công bố quy hoạch sử dụng đất sớm lại có hiệu ứng ngược, tạo cơ hội cho một số nhà đẩu tư dự án chiếm đất mà không triển khai, gây nên tình trạng ảo trong báo cáo hơn là thực thi, gây nhiễu trong quản lý quy hoạch chung.

        – Việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn định mức kỹ thật trong hoạt động du lịch tuy đã được quan tâm triển khai từng bước nhưng chưa kịp thời, đồng bộ và thiếu sự kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ nên tính hiệu lực không cao. Đơn cử như việc tranh mua tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh trong các khách sạn, hãng vận chuyển, các lữ hành và ngay tại các khu điểm du lịch tồn tại nhiều năm vẫn chỉ đưa ra những văn bản chỉ đạo chung chung thiếu biện pháp chế tài để xử lý.

Các công tác khác như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và thông tin về du lịch cũng như kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo xử lý vi phạm pháp luật về du lịch… đều được triển khai nhưng còn hời hợt nên không mang lại hiệu quả chỉ tính riêng trong nội bộ ngành chứ chưa nói đến tác động xã hội của công tác đó.

        – Việc tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lục, ứng dụng khoa học công nghệ trong du lịch… cũng chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là công tác quản lý hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Đề án xây dựng một trường du lịch đạt chuẩn đã qua nhiều năm triển khai đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực, mặc dù nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo UBND thành phố và Tổng cục Du lịch Việt Nam. Theo nguồn tin từ Tổng cục Du lịch Việt Nam: ngày 28 tháng 09 năm 2006 Tổng Cục đã ra quyết định cho phép thành lập 03 trường nghiệp vụ: Trung cấp du lịch Nha Trang, Trung cấp du lịch Đà Lạt và Trung cấp du lịch Cần Thơ. Trung cấp du lịch Huế đã ra đời nhiều năm trước, nhưng với một trung tâm như Đà Nẵng mà không có trường dạy nghề du lịch quả là một thiệt thòi cho ngành tại địa phương.

        – Thành phố thiếu cơ chế chính sách nhằm khai thác hợp lý và hỗ trợ kịp thời cho hoạt động của ngành du lịch để phát huy tiềm năng phát triển du lịch như mọi ngành kinh tế khác, đặc biệt là cơ chế về tài chính như chính sách thuế: có thể miễn giảm thuế ở những thời điểm nhất định khi rủi ro trong hoạt động kinh doanh, thiên tai,… hoặc vận động hỗ trợ doanh nghiệp khoanh, giãn nợ khi đến thời điểm phải trả lãi đối với ngân hàng do thời hạn cho vay đầu tư quá ngắn…

        – Bên cạnh đó sự nhận thức về vai trò chiến lược của ngành du lịch đối với các cấp, các ngành và cả cộng đồng chưa thật đầy đủ và đồng bộ nên sự phối hợp trong những sự kiện du lịch do thành phố và ngành du lịch tổ chức, còn thiếu và yếu, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao.

Post Author: admin