Những câu chuyện bạn chưa biết về Phú Quốc

 

Chỉ những người sống lâu năm ở Phú Quốc mới biết rằng ở chân núi Bãi Xếp nằm về phía Nam đảo có một hang động thờ Phật, trên vách đá vẫn còn in rõ dấu khắc bản minh văn chữ Hán, do một nhà sư đến tu hành và dựng lên cách đây hơn 1.500 năm. Những người già trong vùng cũng kể rằng, đã có một thời Phú Quốc là thương cảng sầm uất, là điểm dừng chân của những thương thuyền chèo bằng sức người trên hải trình từ Bắc vào Nam, từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và ngược lại.

 

Nhưng Phú Quốc chỉ thực sự được đánh thức vào mùa thu năm 1708. Mạc Cửu – một người Hoa quê Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đã chạy sang hàng phục Chúa Nguyễn, khai khẩn vùng đất này, đặt vào trấn Hà Tiên. Cư dân của Phú Quốc lúc bấy giờ chủ yếu là người Việt, người Hoa gốc Hải Nam và một số ít người Cao Miên (Khmer) sinh sống bằng nghề khai thác tài nguyên biển đảo. Những sản vật quí giá hơn vàng ở đảo như ngọc trai, trầm hương, nhân sâm, hậu phát, đồn đột… đã thu hút cư dân tứ xứ đến khai hoang lập nghiệp trên đảo và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dần trở nên nhộn nhịp. Để phòng những cuộc tấn công bất ngờ của hải tặc, năm 1735 tổng trấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tích lên thay cha (Mạc Cửu) đã ra tay trấn cướp và còn cho lập trên đỉnh núi Hòn Chảo (thuộc xã Gành Dầu ngày nay) một đàn trời rộng lớn làm nơi đốt lửa báo nguy cho Phương Thành (Hà Tiên) khi cần ứng cứu.

 

Post Author: admin