Giá trị truyền thống trong trang phục của người Chăm

Là dạng thức văn hoá vật chất, trang phục Chăm không chỉ là đáp ứng nhu cầu che thân, mặc đẹp và biểu hiện cảm xúc thẩm mỹ, mà trang phục Chăm còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá tinh thần và văn hoá xã hội. Thông qua trang phục của người Chăm, có thể phân biệt tầng lớp xã hội, đẳng cấp của các chức sắc tôn giáo, phân biệt người giàu sang, kẻ nghèo hèn, đàn ông và đàn bà. Chẳng hạn, chức sắc tu sĩ mới được mặc váy, trùm khăn bằng loại hoa văn hình rồng và buộc dây lưng có dệt hoa văn hai mặt, còn tu sĩ bình thường chỉ mặc váy, khăn không dệt hoa văn. Đàn ông quí tộc thì mặc khăn, dây lưng, khăn trùm đầu có dệt hoa văn hình quả trám, chân chó, đeo nhẫn vàng… Còn đàn ông bình dân chỉ mặc váy bình thường, vắt khăn chéo không trang trí hoa văn, đeo nhẫn bằng đồng. Phụ nữ quí tộc mặc váy dệt hoa văn hình rồng cách điệu, váy của họ có dệt những sợi chỉ tơ và thêu những sợi chỉ bằng vàng. Còn phụ nữ bình thường thì mặc váy có hoa văn dây leo, đeo đồ trang sức bằng đồng… Các loại hoa văn và cách thức thể hiện hoa văn trên trang phục của người Chăm đều theo qui tắc nhất định, thể hiện đựợc thẩm mỹ, phong tục tập quán, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội Chăm.

Không chỉ dừng lại ở đó, trang phục Chăm còn hàm chứa trong đó một số nội dung, giá trị phong phú. Nội dung ấy, ghi nhiều dấu ấn văn hoá trên nhiều bình diện khác nhau. Đó là dấu ấncủa người Chăm-chủ nhân của nền văn hoá sinh sống ở dãy đất miền Trung có khí hậu nóng, ẩm, với địa hình môi sinh giữa núi, đồng bằng, biển cả. Qua trang phục, từ cách may mặc, cho đến hoa văn là một bộ phận cấu thành, mang tín hiệu đặc trưng của trang phục cho thấy, người Chăm sinh sống bằng nghề trồng lúa nước được biểu hiện bằng những hoa văn trên trang phục như hoa văn quả trám, hoa văn hạt lúa, hoa văn hình dích dắt, răng cưa tượng trưng cho núi, cho sông nước và nghề đi biển như trang phục màu trắng có hoa văn mỏ neo, hoa văn mắc lưới. Họ là cư dân nông nghiệp với tín ngưỡng đa thần, thờ thần mặt trời (hoa văn 8 cánh trên trang phục, chiếc nhẫn Mưta là hình mặt trời), thần núi, thần sông. Hoa văn trên trang phục còn in dấu ấn chủ nhân của nền văn hoá này theo tôn giáo Bàlamôn thờ những con vật linh như các loại chim thần Garuđa, Makala có nguồn gốc Ấn Độ. Chủ nhân của nền văn hoá này không những đã sớm bước vào một xã hội phân chia giai cấp (qua các trang phục của các tầng lớp bình dân, quí tộc, vua chúa) mà đã sớm hình thành một đất nước.

Nói chung trang phục Chăm phong phú về kiểu dáng và đa dạng về sắc thái biểu hiện. Nó không chỉ đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của con người (ăn, mặc,ở…), thể hiện được thẩm mỹ, phong tục tập quán, giới tính, giai cấp, tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội Chăm mà nó còn in dấu ấn văn hoá, phản ánh đầy đủ về sắc thái, diện mạo một nền văn hoá Chăm. Trang phục Chăm chính là kho tàng tư liệu phong phú, kho tàng ấy không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất đơn thuần mà nó còn mang một giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật… của người Chăm-một dân tộc đã có một thời phát triển rực rỡ ở khu vực Đông Nam Á.

 

Post Author: admin