Đơn sơ những bản làng Tây Bắc

Bản Cát Cát:

Một điều hấp dẫn du khách khi đến Cát Cát là người Mông ở đây còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán độc đáo, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu cô từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.

Kiến trúc nhà của người Mông làng Cát Cát còn nhiều nét cổ: nhà ba gian lợp ván gỗ pơmu. Bộ khung nhà có vì kèo ba cột ngang. Các cột đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông. Vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào: cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.

Làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19. Các hộ gia đình ở đây cư trú dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau. Các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Họ trồng lúa trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên núi theo phương pháp canh tác thủ công, sản lượng thấp. Phần lớn nhà cửa đều đơn giản, chỉ có một cái bàn, cái giường và bếp lửa nấu nướng…

Bản Phố

Vị trí: Bản Phố là một xã vùng cao thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đặc điểm: Đến đây, du khách vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng vùng cao vừa được thưởng thức đặc sản Bản Phố, đặc biệt là rượu ngô Bản Phố.

Từ thị trấn Bắc Hà, rong ruổi trên con đường quanh co, uốn lượn bám vào sườn núi Hoàng Liên Sơn khoảng 4km, phía dưới là thung lũng xanh mướt một màu của ngô và lúa non…; hai bên đường là những cánh rừng mận Tam hoa ngút tầm mắt đang mùa trĩu quả, du khách sẽ tới xã Bản Phố.

Nhìn từ xa, Bản Phố giống như một bức tranh đẹp và sinh động: Hòa lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp, là những nếp nhà của người Mông giống như những tổ chim bám vào sườn núi.

Bản Phố là địa danh quần cư lâu đời của người Mông, có khoảng hơn 500 hộ gia đình với trên 3.000 nhân khẩu. Theo tiếng Quan Hoả – thứ ngôn ngữ chung của một số dân tộc sống trên dải biên cương phía bắc, từ “Phố” dùng để chỉ nơi tập trung dân cư và có hàng quán.

 

Post Author: admin