Để Lạng Sơn thành địa điểm du lịch hấp dẫn

        Du lịch và du lịch mua sắm ngày càng phát triển về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đòi hỏi trình độ quản lí về du lịch kiện toàn hơn để theo kịp với sự phát triển của nó. Do đó, trước hết cần nâng cao hiệu quả quản lí Nhà nước về du lịch trong đó có du lịch mua sắm. Những chiến lược, những chủ trương, kế hoạch phát triển du lịch phải xuất phát từ tiềm năng và thực tế khách quan, từ những hiện trạng và đòi hỏi, yêu cầu của địa phương. Những cơ chế phát triển du lịch cần phải linh hoạt, thông thoáng nhưng không chủ quan, sơ hở. Những cán bộ phụ trách về du lịch phải có trình độ chuyên môn cao mới có thể sử dụng những công cụ quản lí vĩ mô để kiểm soát, điều hành và điều chỉnh các hoạt động du lịch trong địa bàn địa phương.

        Địa phương phải có những chính sách khuyến khích du lịch và du lịch mua sắm phát triển. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọncủa nhiều quốc gia, không chỉ vậy du lịch còn là cứu cánh cho nền kinh tế của nhiều nước trong những thời kì khủng hoảng về kinh tế. Du lịch được coi là ngành kinh tế xuất khẩu tại chỗ, đặc biệt là du lịch mua sắm vì hàng hoá trong du lịch mua sắm được tiêu dùng nhiều hơn so với các loại hình khác, hàng hoá được bán trực tiếp cho khách và du khách mang các sản phẩm hàng hoá đó đi đến các vùgn khác và các quốc gia khác và mang lại lợi nhuận và ngoại tệ về cho địa phương và cho nền kinh tế quốc dân.

        Với tầm quan trọng như vậy, du lịch mua sắm ở Lạng Sơn cũng như ở các địa phương khác cần phải được quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương và Nhà nước, cần có sự phối hợp liên ngành, liên vùng để đầu tư cho du lịch mua sắm.

        Địa phương cần đưa ra những chủ trương, chính sách đầu tư hợp lí phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch và du lịch mua sắm ở Lạng Sơn. Cần có những chính sách kêu gọi, thu hút vốn đàu tư trong nước và nước ngoài cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch. Bởi cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật có ý nghĩa quyết định khả năng, tần suất, mức độ khai thác các tài nguyên du lịch của địa phương. Vậy nên, các cấp các ngành có liên quan cần chú trọng đến yêu cầu này để đẩy mạnh kinh tế và du lịch của địa phương.

        Du lịch mua sắm đem lại nguồn lợi đáng kể cho địa phương, vì vậy, địa phương cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện cho du lịch mua sắm phát triển. Ngoài việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuậtthì cũng cần có những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch đặc biệt là du lịch quốc tế ở các vùng biên. Các chính sách phát triển du lịch mua sắm có thể là đơn giản hoá về mặt thủ tục giấy tờ chẳng hạn như miễn visa, hộ chiếu cho khách du lịch của một số nước mà chúng ta xá định là thị trường mục tiêu, cấp giấy thông hành hay chấp nhận sử dụng chứng minh thư cho khách du lịch từ các nước láng giềng sang tham quan du lịch…

        Những chính sách này không chỉ xuất phát từ chính quyền địa phương mà còn xuất phát từ các ban ngành Trung ương. Ngoài ra, chính quyền và các ban ngành ở địa phương cần đơn giản hoá các thủ tục hành chính cả về thời gian và số lượng giấy tờ để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch lưu trú lâu hơn.

        Du lịch và du lịch mua sắm nói riêng mang tính liên vùng rõ nét, sự quản lí kiểm soát gây ra không ít khó khăn cho địa phương. Hơn thế nữa du lịch mua sắm còn thường xuyên bị lợi dụng như một hình thức buôn lậu trá hình khi những kẻ buôn lậu giả danh là khách du lịch sang mua hàng với mục đích buôn bán, trốn thuế, gây thất thoát cho đất nước và địa phương.

        Các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương luôn phối hợp chặt chẽ để giám sát và điều chỉnh những hành vi phạm pháp. Các ngành công an, bộ đội biên phòng, hải quan và du lịch xuất nhập khẩu cùng hợp tác để vừa thúc đẩy du lịch mua sắm phát triển vừa đảm bảo tính hợp pháp, công bằng trong hoạt động du lịch này.

        Để phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững thì việc khai thác và bảo tồn phải đi liền nhau. Nếu chúng ta chỉ khai thác mà không bảo tồn thì tài nguyên du lịch và môi trường sẽ nhanh chóng thoái hoá hoạt động du lịch lúc đó sẽ thoái trào. Còn nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác thì không đem lại nguồn lợi kinh tế cho chính quyền và cộng đồng địa phương.

        Chính vì vậy, việc giáo dục du khách cũng như cộng đồng địa phương tham gia vào công tác bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, các danh lam thắng cảnh là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay, cùng chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương cũng như trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ và khai thác hợp lí tài nguyên du lịch, góp phần nâng cao chất lượng các sản phăm du lịch, tạo đà cho du lịch Việt Nam và du lịch Lạng Sơn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

 

Post Author: admin